Chữa viêm gan B bằng cà gai leo
Cà gai leo có tên khoa học là Solanum hainanense Hance Solanaceae. Theo đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu thuốc từ cà gai leo làm thuốc chống viêm và ức chế sự phát triển của xơ gan” do tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Khai cùng cộng sự thực hiện, ước tính hơn hai tỷ người trên thế giới bị nhiễm virus viêm gan B (HBV), khoảng 350-400 triệu người bị nhiễm HBV mạn tính.
Khoảng 25-40% số người bị nhiễm HBV mạn tính chết sớm vì xơ gan hoặc ung thư gan. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người mắc bệnh viêm gan siêu vi B cao, gần 10 triệu người mang HBsAg. Việc tiêm phòng vắc xin hiện được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa căn bệnh này. Tuy nhiên với những người đã mắc bệnh, nhất là viêm gan B mạn tính thể hoạt động, việc điều trị trở nên khó khăn. Theo hướng dẫn từ Hiệp hội Nghiên cứu bệnh gan Mỹ (AASLD) 4 năm trước, mục tiêu cơ bản của điều trị là kiềm hãm sự sinh sôi của virus viêm gan B và đẩy lùi bệnh gan. Mục tiêu tối hậu là ngăn chặn xơ gan, suy gan và ung thư gan. Đối với bệnh nhân bị viêm gan siêu vi B mạn tính thể hoạt động (khoảng 25%) cần điều trị bằng thuốc đặc hiệu. Những thuốc này thường rất đắt tiền, phải dùng kéo dài để duy trì sự ức chế siêu vi, hiệu quả cũng chỉ đạt 30-40% và khi ngừng thuốc có thể tái phát bệnh. Các thuốc này lại thường gây tác dụng phụ.
Hình ảnh cây cà gai leo
Nghiên cứu của nhóm tiến sĩ Minh Khai cho thấy các nhà khoa học đã phát hiện ra hoạt chất mới trong cây cà gai leo (tên khoa học là Solanum hainanense Hance Solanaceae), có tác dụng ức chế sự sao chép, làm âm tính virus viêm gan B, chống viêm gan. Trên mô hình thực nghiệm sinh vật, hoạt chất Glycoalcaloid này cũng ức chế mạnh sự phát triển xơ gan và có tác dụng chống oxy hóa. Trong thử nghiệm trên người bệnh tình nguyện, hoạt chất này cũng không có tác dụng phụ, được Bộ Y tế cho phép nghiên cứu lâm sàng. Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, kết quả điều trị trên bệnh nhân viêm gan B thể hoạt động cho thấy có tác dụng khả quan.
Các kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 đối với 90 bệnh nhân viêm gan B mạn hoạt động tại 3 cơ sở Viện Quân Y 103, Bệnh viện TW quân đội 108, Viện Quân Y 354 đều cho kết quả tốt, phù hợp với kết quả thu được ở giai đoạn 2.
Theo báo khoa học đời sống ra ngày 23/5/2013